Lời toà soạn: Tại phiên họp chuyên đề của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số ngày 5/6 về “Thay đổi căn bản cung cấp dịch vụ công trực tuyến” do Bộ TT&TT tổ chức, ông Vũ Trọng Quế, Giám đốc Sở TT&TT Nam Định đã trình bày tham luận: “Chia sẻ kinh nghiệm về triển khai dịch vụ công trực tuyến có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cao”. Trong đó, đáng chú ý là việc tỉnh này phát triển đồng đều về chuyển đổi số cũng như dịch vụ công. Báo VietNamNet xin gửi đến độc giả toàn văn bài tham luận này.

Chuyển đổi số có phát triển thì dịch vụ công mới phát triển. Nếu dịch vụ công phát triển mà các công việc khác của chuyển đổi số không phát triển thì đó là phát triển nóng chỉ về dịch vụ công, không phải phát triển đồng đều và bền vững về chuyển đổi số. Do đó, Nam Định phát triển đồng đều các lĩnh vực của chuyển đổi số cũng như dịch vụ công. Do vậy, tôi xin trình bày kinh nghiệm thúc đẩy chuyển đổi số Nam Định, trong đó có một số kinh nghiệm riêng về dịch vụ công.

Ông Vũ Trọng Quế, Giám đốc Sở TT&TT Nam Định. Ảnh: Cổng thông tin Thành phố Nam Định

Trước hết, tôi báo cáo vắn tắt vài công việc nổi trội của Nam Định về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phần việc quan trọng nhất của chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới để đưa được các dịch vụ công trở thành thói quen thường xuyên của người dân.

Nếu dịch vụ công phát triển mà các công việc khác của chuyển đổi số không phát triển thì đó là phát triển nóng chỉ về dịch vụ công, không phải phát triển đồng đều và bền vững về chuyển đổi số 

Đối chiếu 20 nhiệm vụ Bộ TT&TT giao, vừa được đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia trình bày tại phiên họp, tỉnh Nam Định đã, đang triển khai và sẽ tiếp tục thực hiện thời gian tới.

Trong đó, việc hợp nhất bộ phận một cửa với cổng dịch vụ công đã được Nam Định thực hiện ngay từ khi bắt đầu triển khai vào năm 2018.

Nam Định là một trong 7 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành chỉ tiêu cung cấp 40% thủ tục hành chính trực tuyến mức 4 (nay là dịch vụ công trực tuyến toàn trình) vào tháng 7/2020 và là 1 trong 3 tỉnh cùng với Bình Phước, Tây Ninh hoàn thành việc cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đến nay, 1.286 trong tổng số 1.705 dịch vụ công của tỉnh (tương đương 75%) đủ điều kiện đã được cung cấp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Từ cuối năm 2022 - khi Chính phủ triển khai Bộ chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, cho đến nay, Nam Định luôn nằm trong top đầu về xếp hạng của cổng dịch vụ công quốc gia. Vị trí xếp hạng của Nam Định trong quý 1/2023 là thứ 7 và tháng 5 là thứ 2.

Trong tháng 5/2023, số hồ sơ dịch vụ công trực tuyến được tiếp nhận là 54.786, đạt 85.4%; số hóa 39.347 hồ sơ, đạt 61,3%; Thanh toán trực tuyến: 30.031 hồ sơ, tương đương với số tiền 603.212.000 đồng. Thanh toán trực tuyến phí, lệ phí trên lĩnh vực liên thông Thuế, Tài nguyên môi trường là: 323 hồ sơ, tương đương 1.7 tỷ đồng.

Trung tâm hành chính của tỉnh và Bộ phận một cửa các cấp đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Tuy nhiên, với sự phát triển của dịch vụ công trực tuyến, người dân có thể sử dụng dịch vụ ngay tại nhà, vì thế số lượng người dân đến Trung tâm hành chính của tỉnh và Bộ phận một cửa các cấp đang giảm dần. Trước đây, bình quân phục vụ từ 400 - 500 người/ngày nay giảm xuống còn 150 - 200 người. Trong thời gian tới, các Trung tâm hành chính của tỉnh và Bộ phận một cửa các cấp của tỉnh Nam Định sẽ ngày càng co gọn.

Quá trình chuyển đổi số của Nam Định. Ảnh chụp màn hình

Để đạt được các kết quả trên, Nam Định có một số kinh nghiệm đã và đang giúp chúng tôi làm tốt công việc của tỉnh mình:

Thứ nhất, có sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh

Từ năm 2018, 2019 tại báo cáo hàng tháng của UBND tỉnh đã dành riêng mục số 8: Xây dựng chính quyền điện từ, cải cách hành chính, sau này là mục “ Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và cải cách hành chính” trong báo cáo hàng tháng và trong các báo cáo chuyên đề khác của UBND tỉnh.

Hàng tháng, hàng quý, tại các cuộc họp của UBND tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đều khen ngợi, phê bình các Sở, các huyện về chuyển đổi số nói chung đặc biệt là 3 nền tảng chính là: Dịch vụ công, Quản lý văn bản, Hệ thống báo cáo kinh tế xã hội.

Năm 2021, tỉnh Nam Định có 1 huyện và năm 2022 có 2 huyện bị Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu kiểm điểm về công tác Cải cách hành chính, mời Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh, Sở TT&TT dự cùng buổi kiểm điểm của Ban thường vụ các huyện.

Sự đồng thuận, quan tâm phối hợp của các cấp, các ngành, các địa phương vì Nam Định luôn quán triệt và xác định: Chuyển đổi số là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị.

Thứ hai, đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền

Nam Định xác định Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức, hàm lượng tuyên truyền đóng vai trò quan trọng, chiếm tới 50% thành quả chuyển đổi số. Năm 2022, chúng tôi tổ chức 9 hội nghị và dự kiến năm 2023 tổ chức 12 hội nghị (do Sở TT&TT hoặc các sở, ngành khác chủ trì). Đến hết năm 2023, 100% các Sở, ngành, Tổ chức chính trị, đoàn thể của Nam Định đều có hội nghị chuyển đổi số của ngành, lĩnh vực mình.

Ngoài ra, từ nhiều năm trước đây, tôi thường trực tiếp tham gia đào tạo, nói chuyện về CMCN 4.0, về chuyển đổi số, về chính quyền điện tử tại các lớp đào tạo hàng năm do Sở Nội Vụ, Trường Đảng tỉnh mời. Đối tượng tham gia các lớp này thường là lãnh đạo Sở, phòng, lãnh đạo các xã… Đây là những người rất quan trọng đối với tiến trình chuyển đổi số. Tôi cũng thường trực tiếp đến tận các huyện, các xã nói về chuyển đổi số. Ngoài ra, cũng thường xuyên mời các chuyên gia của Bộ TT&TT, các Bộ, ngành Trung ương và phân công lãnh đạo cấp phòng tham gia phổ biến chuyên đề về chuyển đổi số tại các hội nghị, lớp học của các ngành, các huyện.

Nam Định xác định Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức, hàm lượng tuyên truyền đóng vai trò quan trọng, chiếm tới 50% thành quả chuyển đổi số. 

Nam Định cũng tận dụng hết sức hiệu quả vai trò của các nền tảng số và mạng xã hội như: Nền tảng số Cốc Cốc, Zalo, Facebook, Youtube... để tuyên truyền về chuyển đổi số, trong đó năm 2022 thông qua các nền tảng này đã có gần 50.000 lượt người tham gia các hội nghị chuyển đổi số qua hình thức trực tuyến livestream.

Công tác tuyên truyền về chuyển đổi số thực sự có hiệu quả khi các huyện, các xã thấy rằng thành phố, huyện, xã khác làm được thì tại sao mình không làm được. Tại  một số hội nghị, tôi mời đồng chí Cao Hải Thuỵ - Cán bộ phụ trách lĩnh vực chuyển đổi số của UBND thành phố Nam Định đến dự, chia sẻ kinh nghiệm cho các huyện, đồng thời Sở cũng nhận được nhiều trải nghiệm thực tế, những kinh nghiệm từ cán bộ trực tiếp triển khai ở cơ sở.

Như vậy, tuyên truyền chỉ đạt hiệu quả cao nhất khi nó tạo sức ép cho xã hội, cho các cơ quan và cho chính mình phải tổ chức thực hiện chuyển đổi số.

Một số ứng dụng chuyển đổi số của Nam Định. Ảnh chụp màn hình

Thứ ba, “cầm tay chỉ việc” đến tận cấp cơ sở

Một trong những kết quả đáng nhớ nhất, tự hào nhất của Nam Định là ngay từ năm 2017 chúng tôi hoàn thành lưu chuyển văn bản điện tử trong toàn hệ thống chính quyền và trong 2019 là trong toàn bộ hệ thống chính trị.

Sở TT&TT Nam Định đã phối hợp với VNPT Nam Định “cầm tay chỉ việc” đến tận từng cán bộ xã để triển khai việc lưu chuyển văn bản điện tử.

Sở TT&TT Nam Định đã phối hợp với VNPT Nam Định “cầm tay chỉ việc” đến tận từng cán bộ xã để triển khai việc lưu chuyển văn bản điện tử. Có thể nói, đây là điển hình cho sự phối hợp thành công nhất, đáng tự hào nhất, là thành quả đẹp nhất,  đánh dấu bước khởi đầu cho công tác chuyển đổi số của Nam Định. Thực hiện tốt nhiệm vụ này,  Lãnh đạo tỉnh đã tin tưởng vào công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Sở TT&TT, từ đó vị trí vai trò của ngành TT&TT được nâng lên và được đánh giá cao từ thời điểm đó.

Ngoài ra, chúng tôi rất chú trọng vào công tác đào tạo, liên quan đến dịch vụ công trực tuyến, chúng tôi đã đào tạo, đào tạo đi, đào tạo lại  cho nhiều dịch vụ, đặc biệt là nhân lực làm chuyển đổi số tại các xã, phường. Chúng tôi đào tạo, tập huấn nhiều đến mức các đơn vị khác họ nể mà làm. Và tất cả những nỗ lực ấy đã đơm hoa kết trái, đem lại quả ngọt như như ngày hôm nay.

Thứ tư, không để các đơn vị khác có điều kiện kêu khó

Sở TT&TT Nam Định thời gian qua không để Sở, ngành nào kêu khó trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số. Từ năm 2015, tôi luôn khẳng định tại các hội nghị là Sở TT&TT sẵn sàng phục vụ 24/7 tất cả các đơn vị và cá nhân cán bộ, công chức về mặt kỹ thuật. Và đến bây giờ vẫn là như vậy

Nếu có đơn vị nào kêu nhiệm vụ khó lắm, tại các Hội nghị tôi nêu đích danh các đơn vị triển khai tốt, đạt được kết quả cao. Và có so sánh tại sao đơn vị khác, tỉnh khác họ làm được mà mình lại không làm được? Đã làm được một  nghĩa là làm được tất cả. Một cán bộ làm hết công suất mà chỉ làm được 30%, nghĩa là có giải pháp tăng nhân lực lên gấp 3 sẽ làm được 90%.

Tôi cũng thường nói, cán bộ nên hướng dẫn người dân nhiệt tình để thể hiện tình cảm của mình với người dân,  chứ với tốc độ này vài ba năm nữa người dân tự làm trực tuyến hết, cán bộ muốn thể hiện tình cảm giúp đỡ họ cũng không có cơ hội.

Thứ năm, lợi ích của 3 tin nhắn

Trước đây, một số cơ quan trong tỉnh làm xong dịch vụ công, tích vào mục trả kết quả là đã xong (để báo cáo). Tuy nhiên, trên thực tế, khi người dân đến hỏi, họ bảo chưa xong. Năm 2021, chúng tôi có giải pháp cho thực trạng này thông qua việc gửi 03 tin nhắn SMS đến điện thoại di động cho người dân. Tin nhắn 1: Thông báo đã tiếp nhận đủ hồ sơ; Tin nhắn 2: Thông báo đã thanh toán phí, lệ phí; Tin nhắn 3: Thông báo đã có kết quả. Trong 2 năm qua, Nam Định không còn cấp biên lai nhận trả kết quả bằng tay.

Vừa qua, đồng chí Ngô Quang Phát, Phó Vụ trưởng Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ về thăm, kiểm tra huyện và một số xã của huyện Xuân Trường. Xuân Trường là huyện xếp thứ 10/10 năm 2022 về Cải cách hành chính và chuyển đổi số. Đồng chí nhận định: “Tôi đã đi 10 tỉnh, 5 tỉnh phía Bắc, 5 tỉnh phía Nam nhưng chưa tỉnh nào làm được như Nam Định”. Tôi tin tưởng Nam Định rất xứng đáng với nhận định đó.

Thứ sáu, không nặng nề chỉ đạo bằng văn bản

Một ý kiến chỉ đạo, phê bình của lãnh đạo tỉnh tại Hội nghị có giá trị gấp nhiều lần các loại văn bản phê bình bằng văn bản. Do đó, rất nhiều việc chúng tôi làm mà không cần ban hành văn bản chỉ đạo.

Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các  Sở, huyện của Nam Định đều hăng hái trong công tác chuyển đổi số, đặc biệt là thành phố Nam Định luôn đi đầu trong tất cả các mục của chuyển đổi số.

Thành phố Nam Định phấn đấu sẽ sớm hoàn thành chỉ tiêu mà Nam Định đã được Bộ TT&TT giao tiên phong, đó là 60% dịch vụ công trực tuyến toàn trình do người dân tự làm tại nhà. Tiên phong chuyển đổi số trường học trên địa bàn toàn thành phố. Hiện đã có 1 trường chuyển đổi số thành công, 12 trường đang thực hiện thí điểm và phấn đấu đến đầu năm học 2024 là tất cả 89 trường trên địa bàn Thành phố Nam Định.

Thứ bảy, hợp tác cùng phát triển

Hợp tác với doanh nghiệp thì huy động được nhân lực của doanh nghiệp cho nên công việc sẽ nhanh hơn, tốt hơn. Đây là cuộc chơi mà mọi người cùng thắng. Cán bộ nhà nước thực hiện được chức trách nhiệm vụ của mình. Doanh nghiệp thì phát triển được dịch vụ. Người dân được hưởng dịch vụ cao cấp hơn và thậm chí phải chi ít tiền hơn.

Thứ tám, đoàn kết, phát huy lòng tự trọng của cán bộ, công chức

Cán bộ Sở TT&TT nói riêng, cán bộ làm chuyển đổi số Nam Định nói chung đến nay đều thấu hiểu và nhận thấy: Phải làm việc mới tạo ra giá trị cho bản thân, nếu không làm việc thì bản thân không có giá trị, không được mọi người coi trọng, đến một thời điểm nào đó tự nhiên trở thành người đứng ngoài cuộc.